Giới thiệu
Ngày đăng: 19/12/2024 08:22
Ngày đăng: 19/12/2024 08:22
Sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó nuôi trồng nấm là lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp cùng với đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đang là mục tiêu cấp bách. Để thực hiện được điều này, ngoài áp dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra giống tốt, thì việc kiểm soát môi trường, tự động hóa sản xuất là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, môi trường nuôi trồng ổn định phù hợp sẽ giúp cây nấm phát triển tốt nhất. Những năm gần đây, việc theo dõi, quản lý nuôi trồng nấm đã và đang được áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật số dần đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, hệ thống quản lý trồng nấm theo hướng sử dụng công nghệ IoT được thiết kế như một hệ thống thông minh, cung cấp một giải pháp nuôi trồng nhờ sử dụng hệ thống đo lường, điều khiển cơ-điện tử. Thông qua điện toán đám mây, mọi tình trạng của hệ thống trồng nấm như cường độ ánh sáng, lượng nước, độ ẩm, độ PH, khí CO2… đều được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu cũng như gửi thông báo thống kê đến các thiết bị di động. Người quản lý có thể theo dõi được các thông tin thống kê ở bất cứ đâu. Hệ thống được thiết lập tự động điều khiển, xử lý các quy trình trồng nấm tự động, điều khiển các van cung cấp nước, thiết bị phun sương, điều khiển lượng ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm... phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây nấm.
Đối với các mô hình trồng nấm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, có hàng trăm trang trại sản xuất nấm với nhiều quy mô khác nhau. Trong đó, một số trang trại có quy mô từ 4.000 - 5.000 m2, có trại lên đến 10.000 m2, mỗi năm sản suất hàng trăm ngàn bịch phôi/năm, sản phẩm nấm tươi và nấm khô các loại thu được lên đến vài chục tấn.
Tuy nhiên, các trang trại, cơ sở trồng nấm tại Đắk Lắk vẫn còn sản xuất theo phương pháp thủ công, tốn khá nhiều thời gian, nhân công, nhiều mô hình sản xuất mang tính tự phát, đa phần người trồng nấm được thực hiện bằng kinh nghiệm, thiếu kiến thức trong việc áp dụng công nghệ, dẫn đến chi phí sản xuất cao, chưa tối ưu được lợi nhuận.
Từ yêu cầu thực tiễn đó, chúng tôi Nghiên cứu ứng dụng công nghệ IoT trong đo lường, giám sát điều khiển nuôi trồng nấm tại Đắk Lắk, nhằm khai thác được thế mạnh về thời tiết, khí hậu, phế phụ phẩm nông nghiệp của khu vực Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên, hệ thống quản lý nuôi trồng nấm ứng dụng IoT làm tiền đề giúp cho các trang trại, cơ sở trồng nấm từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nghề nấm, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chuyển đổi cây trồng tạo ra nhiều nghề mới cho nông dân tại chỗ, giảm các tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái.